“Trong cuộc sống sinh động, tự tạo ra sân khấu cho mình, chủ thể và khách thể cũng là mình, đó là cách mà họ và chúng ta hát, biểu diễn cho chính mình”. 

(Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh)

 SỐ ĐẶC BIỆT - PHỎNG VẤN NGHỆ NHÂN NGUYỄN HỒNG OANH

Giữa thời cuộc khi những cuộc trò chuyện mặt đối mặt trở nên xa xỉ và bất khả biết bao, chúng tôi lại may mắn kịp mình góp nhặt được vô ngần cảm xúc, đong đầy yêu thương dù cho chỉ là qua màn ảnh nhỏ, cùng bà Nguyễn Hồng Oanh - một nghệ nhân dùng tiếng hát hòng cất cao tiếng nói dân tộc, dùng ca từ để thổi hồn cho câu thơ suốt cả một cuộc đời. 


Tôi vẫn nhớ dáng vẻ niềm nở, hồn hậu của bà với chất giọng Hà Tĩnh đặc trưng đầy ngọt ngào khi nhiệt tình hỏi thăm chúng tôi ngay lúc buổi phỏng vấn bắt đầu. Rất tự nhiên, bà chủ động bảo “Các con đừng ngại nhé, cứ coi như chúng ta là người một nhà, các con cũng như cháu của bà. Bà chẳng phải nhà diễn giả gì cao siêu, bà chỉ ở đây như một người đi trước - chia sẻ về những gì mình đã đúc kết được với những người cháu của mình”. Chỉ một câu nói thôi, trái tim của những đứa trẻ khi ấy đã thập phần thổn thức. Chỉ một câu nói thôi, mọi rào cản về thế hệ, mọi rụt rè, e dè ban đầu của chúng tôi khi phải đối diện với một người gạo cội như bà, dường như đã tức tốc tan biến. Và chỉ một câu nói thôi, mà ta thấy một tâm hồn tha thiết sự sẻ chia, gần gũi và mộc mạc đến thân thuộc. Ngay sau đó, không để chúng tôi kịp hỏi, bà chủ động giới thiệu về bản thân, về cái tên “Nguyễn Thị Hồng Vanh” do cha đặt mà bà luôn tự hào - một cái tên mang ý nghĩa là 20 (bắt nguồn từ tiếng Pháp), với hy vọng dù ở chặng thứ mấy giữa cuộc đời, bà vẫn sẽ sống bằng nhiệt huyết, bằng tinh thần và bằng đam mê của tuổi đôi mươi khởi sắc.  


Và quả thật thế, có lẽ dù đã trải qua bao cuộc bể dâu trong đời, trái tim của bà vẫn mãi phơi phới tuổi 20 với vài chục năm trải nghiệm, luôn sẵn sàng tâm tình cùng lớp trẻ. Bà đã bắt đầu lời tâm tình ấy bằng đôi dòng hồi tưởng về ngày cũ, những ngày lẽo đẽo theo cha ra ruộng, để rồi bị cha quát mà uất ức cùng câu hỏi “Tại sao cha chẳng hát ở nhà, lại ra ruộng hát để con phải theo nghe?”. Lúc này, giọng bà cũng nghẹn đi đôi chút, vài giây lắng đọng, bà nói thêm “Lúc này cha mới bảo bà rằng: “Không hát thì lấy sức đâu mà cày hả con?” - Một câu nói thôi, mà cắm sâu vào máu thịt nơi bà đến tận giờ phút này”. Và đó cũng là một trong những câu nói, bắt rễ nơi tâm trí chúng tôi và mãi luôn ngự trị nơi ấy, sau khi có dịp trò chuyện cùng bà. Vậy đó, tình yêu văn học dân gian của bà đã từ những câu hát, những câu hò ngẫu hứng xua tan đi mệt nhọc trong lao động của người nông dân mà ra. Tỏ ra trân quý những “sáng tác vội vã” làm nên kế sinh nhai ấy, bà nói thêm: “Xuất phát từ người nông dân từ đồng ruộng từ bờ tre gốc rạ, họ lao động sản xuất, trên cái lao động sản xuất không chỉ cho ra hạt lúa, cây trông, mà còn tạo ra những câu hát, câu thơ. Ở Việt Nam ai cũng có thể làm thơ, ai cũng có thể hát được hết. Vậy ai dành cho họ sân khấu? Chẳng ai cả! Trong cuộc sống sinh động, tự tạo ra sân khấu cho mình, chủ thể và khách thể cũng là mình, đó là cách mà họ và chúng ta hát, biểu diễn cho chính mình”. 


Nhận thấy tình yêu truyền thống dân tộc trong bà, dẫu bền bỉ và sống mãi theo năm tháng, song lại bắt nguồn từ những khoảnh khắc nhỏ bé và giản đơn, ngang nhiên trỗi dậy và lớn dần trong trái tim người nghệ nhân cả đời vì nghệ thuật, chúng tôi bèn nêu nỗi trăn trở về việc thời thế thay đổi, những khoảnh khắc chất phác ấy lại chẳng còn dễ bắt gặp, liệu đây có phải lý do khiến người trẻ chẳng thể tiếp nhận văn học truyền thống của dân tộc hay không. Và rồi, trong một giây lát, chúng tôi đều phải lắng lòng suy ngẫm trước câu hỏi của bà “Các con có trí sẵn rồi, có hành trang sẵn rồi, có yên bình sẵn rồi, thì tại sao lại không thể?”. Như nhìn thấu những đứa trẻ đang còn băn khoăn tự vấn bản thân, bà ân cần giải thích thêm “Không có gì cản trở cả, ông bà ngày xưa chẳng biết một chữ tiếng anh bẻ đôi đâu, các con giờ có nhiều cơ hội tiếp cận đến nguồn thông tin hữu ích vô biên thì có gì cản trở đâu! Chỉ có trí tuệ cản trở mình, hay tự mình cản trở mình… Các con hãy nhớ rằng, chỉ cần chăm chỉ là sẽ thành công, miệt mài tìm hiểu thì những vẻ đẹp truyền thống ấy sẽ luôn ở đây mãi đợi các con khám phá. Chẳng có thời gian hay bất kể nhân tố nào đủ khả năng làm mai một truyền thống dân gian.” 


Tiếp nối những suy nghĩ ngổn ngang xoay quanh hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi và cả bà đều không hẹn mà cùng nhắc về cơn đại dịch đã cuỗm mất biết bao dự định, niềm vui trong suốt thời gian qua, nhưng mặt khác cũng dạy cho chúng ta vô vàn bài học để đời. Song, dù thâm tâm đương dằn xé xót thương về đại dịch, bà vẫn lạc quan nói “Dịch dẫu đáng sợ nhưng cũng chỉ mới bùng phát có hai năm thôi, còn văn hóa dân gian thì đã có cả ngàn năm nay rồi các cháu à.” Cũng từ đó, nhớ đến 4 câu thơ trong Truyện Kiều, bà nhẹ nhàng ngâm:  


“Trăm năm trong cõi người ta 

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau 

Trải qua những cuộc bể dâu 

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” 


Rồi cũng với chất giọng xen lẫn bi ai và hy vọng đó, bà đưa ánh mắt nhìn xa xăm, vô định hỏi “Xem thời thế ngày nay, có quả thật là đau đớn lòng không?”, khiến chúng tôi cũng bồi hồi, ngậm ngùi khôn xiết.  


Và, dường như thấy được mỗi chúng tôi đều còn những trăn trở không nói ra thành lời - bởi cụm từ “văn hóa dân gian” đã không còn trở nên quen thuộc đối với những cô cậu bé đã được tiếp cận nhiều với văn hóa đại chúng hay phương tiện truyền thông, bà nhẹ nhàng khuyên bảo: “Không có thiếu gì nghệ nhân trên đất nước này, không thiếu. Cái thiếu bây giờ là làm thế nào để những “vườn hoa” không bị bỏ đi, tội nghiệp lắm, thương lắm. Cái vườn hoa mà đầy các cây thảo mộc, hương thơm ở trong đó; những cây gỗ quý, cây tre lâu đời ở nơi đó. Mình giẫm đạp lên nó. Mình quên nó đi, vứt bỏ đấy thì đó là cái có lỗi.” Lắng nghe những lời chia sẻ đầy cảm xúc của bà, chúng tôi dần nhận ra gốc rễ trân quý ấy. Rằng vườn hoa trên mảnh đất này thì bát ngát muôn trùng, và “vườn hoa” của những loài cây, loài hoa dẫu có lâu đời thì nó vẫn tồn tại. Chỉ không biết rằng… liệu ta đã quên đi? 


Bà không chỉ chúng tôi làm thế nào để lại gần vườn hoa dân gian, hay tiếp cận một cách tinh tế nhất. Nhưng, lời nói của bà truyền đi một lẽ sống bất diệt, hay một nguồn sức mạnh tiềm tàng. Nguồn lực ấy có lẽ đã thúc đẩy bà mãi bước theo con đường nghệ thuật, con đường truyền tải văn hóa dân gian, tiếng nói của dân tộc cho hết thảy mọi người. Bà lý giải - nghe như những điều hiển nhiên đến không ngờ, và một vài trong chúng tôi đã dần dần thấu được sau ngơ ngác hồi lâu: “Tiếp cận đến gì đây? Tùy thuộc vào các con thôi. Tất cả là sự quyết định của các con. Không ai nắm tay các con: “Phải học như thế đi!” “Phải hát thế này thôi!” - Không phải. Hát không được, không ai bắt buộc. Nhưng mình biết nghe và biết trân trọng, đó là người biết hát rồi. Ngâm thơ không được, nhưng nghe ngâm thơ và câu thơ đó đi vào lòng mình, mình cảm thấy câu thơ đó, nó xao xuyến… Thế thì đó là mình biết ngâm rồi.” 


Khi mà một vài năm trước đây, chúng tôi vẫn ngồi say sưa trước những lời hát ru nhè nhẹ, những câu hò ví, dặm trên sóng truyền hình; thì giờ đây, đối với chúng tôi mà nói, chiếc ti-vi đã trở thành một thứ quá “xa xỉ”. Cho đến bây giờ, khi có dịp ngồi lại, lắng lại đôi phần, ấy là lúc chúng tôi mới có dịp được nghe những câu hát “ngày xửa ngày xưa”. Cách nhau qua một màn hình, và còn là qua muôn trùng cây số, “căn phòng” lúc chiều tà nay vang lên một tiếng hát giàu âm hưởng, da diết và sâu nặng của một nghệ nhân gạo cội, yêu nghề, và yêu cả dân tộc Việt, lay động cả những tâm hồn đang mãi cuốn theo nhịp sống vội vã. “...Yêu thương câu hát, khi nghe bà ngâm câu hát mà các con cảm thấy rung động, đó là các con đã nhận được cái năng lượng yêu thương đấy, là các con còn yêu cuộc sống hơn. Mình nên cảm ơn trời đất. Thứ nhất là khi lớn lên, cha mẹ cho mình một hình hài rất đẹp, rất xinh xắn. Mình được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, của quê hương, được đi mọi miền đất nước, được thưởng ngoạn nhiều câu hát, được thưởng ngoạn nhiều thức ăn ngon. Và trong lúc đó, đừng nói là mình khổ. Người khổ là người không nhìn thấy được bầu trời xanh hay đục, không gọi được một tiếng “Mẹ ơi!” dù mẹ ngồi ngay trước mặt mình. Vì vậy, bà với các con đã là những người hạnh phúc lắm rồi (...) Nên bà chúc các con càng ngày có thể sẻ chia với mọi người được nhiều điều hơn nữa.” 


Khép lại buổi phỏng vấn, nhìn bà chào tạm biệt với chất giọng trầm ấm, thân thương, trong chúng tôi vẫn còn một chút gì lâng lâng. Những cảm xúc không nói thành lời, không mãnh liệt như đang trỗi dậy để mời gọi. Gặp được bà như vậy, âu cũng là cái duyên. Duyên này khiến chúng tôi tìm về những giá trị xa xưa, xưa nhưng không hao mòn, cũ kĩ. Nghe được những câu bà hát, mà lòng vẫn bồi hồi, rung động tựa lần đầu nghe được, thì có gì gọi là cũ kĩ đâu? Từng người chúng tôi lần lượt ra về, rời khỏi căn phòng thường vào vì có những cuộc họp, những lớp học thêm. Nhưng hôm nay, chúng tôi bước vào, bởi vì có một cuộc-họp-gia-đình. 


Giữa người bà và những người cháu, 

giữa những trái tim cùng nhịp đập yêu thương.