ĐẾM NGƯỢC 6 NGÀY TRƯỚC GIỜ G
TOÁN - VĂN - ANH KHÔNG CHUYÊN
Ngày 6 tháng 6 năm 2022: Đếm ngược 6 ngày trước giờ G!
Đôi tay ấy, liệu có bao giờ ngưng cầm bút trong những ngày này?
Vài ngày nữa thôi, chỉ vài ngày nữa là tụi mình sẽ bước chân vào “chiến trường” như những chiến binh anh dũng thực thụ! Không biết bạn đã “trang bị” cho mình đủ đầy những kiến thức hay chưa? Kiến thức ấy mà, chúng cứ chất chồng, nhiều đến vô tận - chúng là thứ khiến tụi mình quá tải ít nhiều, bạn nhỉ.
Những ngày cuối cùng, có lẽ ông trời cũng cảm động trước sự cố gắng của bạn, thế nên mới không ngừng mưa như trút. Những ngày cuối cùng, tụi mình dường như cảm thấy chật vật, lo lắng bộn bề vì cuộc-đối-đầu-định-mệnh gần kề ngay trước mắt. Mà dẫu có vậy, thì tụi mình cũng đâu thể nản chí, bạn ha? Vì đến buổi hôm đó, dốc hết sức mình đi, rồi công sức của bạn cũng sẽ được đền đáp mà.
Hiểu được nỗi lo âu chất chứa trong lòng mỗi bạn nhỏ vào giai đoạn này, nhà Gà xin gửi đến bạn những lời tâm tình thủ thỉ từ các Mentor của 3 bộ môn Toán, Văn, Anh hệ không chuyên, với hy vọng sưởi ấm con tim và tiếp thêm sức mạnh cho bạn nhỏ đang từng ngày phấn đấu. Dù có ra sao, hãy dùng hết 101% năng lượng để xông pha ra “chiến trường” đó nha!
Nhà Gà tin bạn nhiều.
Toán Không chuyên
Anh Đức Thiện:
Anh biết đây là một kì thi quan trọng nhưng không có nghĩa là điều đó sẽ khiến ta áp lực và khó chịu nhé - cứ bình tĩnh và ôn tập thật kĩ. Cứ thoải mái với bạn bè (nếu bạn có hỏi) và với bản thân nữa nhé! Nhớ mang theo chai nước (nếu muốn) nhưng bỏ nhãn hay vỏ ngoài đi nha – một ngụm nước có thể giúp mấy đứa... tìm ra điểm mấu chốt của bài toán đó *cười*. À, mấy đứa tranh thủ đi vệ sinh ở nhà hoặc trước giờ thi luôn nha. Đối với môn Toán, mấy đứa nên đọc kĩ đề, kiểm tra các mặt của tờ đề khi vừa được phát để tránh sai sót. Lúc dò lại bài cũng kiểm tra từ trên xuống dưới, không bỏ sót câu nào nha. Và quan trọng nhất là không để mất quá nhiều thời gian cho một câu toán bản thân bí quá nha mấy đứa! Nên nhớ, chỉ cần sơ suất hay xem nhẹ sự... “gài bẫy” của người ra đề, mấy đứa sẽ trả giá đắt đó.
----------------------
Anh Quang Đạt:
Anh chúc mấy em sẽ thi thật tốt, đạt được số điểm mong muốn và đậu được vào trường cấp 3 mà mình thích nhá!!! Trước khi làm bài, mấy em nhớ đọc đề thật kĩ, gạch chân từ khóa quan trọng. Sau khi làm bài, mấy em nếu được thì nên trả lời hai câu hỏi sau: một là, đáp án của mình có thỏa yêu cầu đề chưa; hai là, các phép tính, bước giải của mình đã hợp lí chưa. Nên nhớ, 0,25 và 0,5 vẫn là một cách biệt đáng kể khi xét điểm chuẩn đó! Theo anh thấy, trên thực tế, kì thi này không có trọng đại nhiều lắm nếu nhìn một cách tổng thể đâu, nó chỉ giúp con đường học tập của em tốt hơn một chút (phần còn lại là phụ thuộc vào sự nỗ lực mỗi ngày của mấy em).Vì thế, mấy em hãy đi thi với tâm thế thật thoải mái nhé, đừng để bị áp lực hay lo lắng lấn áp bởi đó sẽ là khi em mắc lỗi sai nhiều nhất.
----------------------
Chị Khánh Vân:
Chị cũng muốn chia sẻ vài thứ nè: trước khi thi phải check thiệt kĩ đồ đạc các thứ như bút mang 5 cây cùng màu cho chắc, nếu được thì mang theo 2 cái máy tính để lỡ trục trặc gì còn xoay sở được, và nhớ mang theo phiếu báo danh nữa nha. Mấy đứa lúc thi mà không đọc kĩ rồi làm sai đề là uổng lắm nha. Nếu có làm xong sớm thì nhớ kiểm lại bài, đừng có lăn ra ngủ á! Ngoài ra, nếu lo lắng, mấy đứa có thể bấm giờ như thi thật vài lần ở nhà trước cho quen. Lời cuối cùng là chúc tụi em có 1 kì thi thật trọn vẹn và hẹn gặp mấy đứa vào 1 ngày không xa nhé!
----------------------
Chị Khánh Như:
Mấy em nhớ hít thở trước khi đọc đề nha. Dù có gì cũng phải điều hoà hơi thở rồi tự nói với bản thân là “Làm được. Trời dễ mà thế nào cũng làm được”. Đừng có bị cuống quít lên mà cứ làm như bình thường thôi nha, à mà mình bình tĩnh nhưng mà đừng có bình tĩnh quá nha =))) phải đánh nhanh rút lẹ đóo.
Văn Không chuyên
CHỐT CHẶN 1: ĐỌC HIỂU
Trình bày:
Chú ý xuống dòng cho mỗi câu hỏi để câu trả lời được rõ ràng, ngắn gọn và đầy đủ.
Đối với các câu hỏi "Em có đồng tình?" thì nêu lí do từ 2 - 3 ý.
Kiến thức:
Bám sát văn bản đề cho.
Đọc kĩ văn bản để xác định đúng PTBĐ (với câu hỏi tìm PTBĐ CHÍNH thì chỉ trả lời đúng 1 PTBĐ nổi bật) và, đặc biệt các câu hỏi như "theo văn bản, theo tác giả..." cần bám sát nội dung văn bản để trả lời.
Đoạn văn ngắn (tùy đề):
Chú ý yêu cầu về dung lượng (số chữ, câu, dòng...), có thể viết lố nhưng đừng lố quá nghen!
Không viết lan man do đoạn văn ngắn, viết đúng trọng tâm, ngắn gọc xúc tích, nhưng vẫn có đầy đủ câu mở, kết. Viết 1 đoạn liền mạch, không chia phần.
Nên dùng các từ nối để đoạn văn được mạch lạc.
Tiếng Việt:
Học kĩ lý thuyết và cách xác định các biện pháp tu từ (BPTT).
Đọc kĩ từng câu trong văn bản, xác định câu dùng BPTT, trích câu đó, gạch dưới đoạn dùng BPTT và nêu tên của BPTT đó.
Đề yêu cầu nêu tác dụng của BPTT là nêu tác dụng nghệ thuật và nội dung của BPTT.
CHỐT CHẶN 2: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
Trình bày:
Mỗi đoạn văn là một lần xuống dòng, lùi đầu dòng nên tuyệt đối không xuống dòng nếu đề yêu cầu viết đoạn.
Mỗi đoạn văn chỉ trình bày một luận điểm. Do đó các em có thể dùng nhiều thao tác nhưng chỉ để chứng minh, phân tích, làm rõ… một luận điểm duy nhất.
Đoạn văn nghị luận chỉ giải quyết một thao tác hoặc một luận điểm trong thao tác nào đó (giải thích, bàn luận hoặc rút ra bài học nhận thức và hành động).
Kiến thức về dẫn chứng:
Dẫn chứng cần có giá trị, có tính xác thực và có liên quan đến vấn đề mình đang viết (nên có những dẫn chứng hot, cập nhật mới mẻ). Nên trích tên địa điểm, thời gian hoặc nhân vật để tăng sức thuyết phục (với những tin tích cực còn tin tiêu cực không nên trích tên nhân vật trực tiếp).
Đoạn văn 200 chữ nên có từ 1-2 dẫn chứng.
CHỐT CHẶN 3: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
Trình bày:
Trình bày rõ ràng từng phần MB, TB, KB, thụt đầu dòng ở mỗi đoạn, chú ý dung lượng vừa đủ để kịp với thời gian làm bài và làm các phần khác.
Trích thơ cần xuống dòng, mở ngoặc kép đầy đủ.
Khổ thơ dài quá có thể viết câu đầu, ba chấm rồi viết câu cuối. Ví dụ như sau đối với một đoạn trích từ bài Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải):
"Đất nước bốn ngàn năm
...
Nhịp phách tiền đất Huế"
Kiến thức:
Phân tích thơ: Chú trọng vào phân tích nghệ thuật vì thơ mang tính nghệ thuật cao, có thể từ biện pháp nghệ thuật mà suy ra và đúc kết nội dung của tác phẩm.
Phân tích truyện: Khi phân tích, cần chia luận điểm chính rõ ràng, trích những dẫn chứng nổi bật, tiêu biểu nhất, tránh phân tích kiểu kể chuyện, cần phân tích sâu vào nội dung của văn bản song song là nghệ thuật.
LƯU Ý CHUNG
Trình bày:
Nên dành khoảng 5 phút đọc lướt lại bài và kiểm tra thông tin, lỗi chính tả, viết hoa, dấu câu. Chữ viết không cần phải đẹp nhưng cần rõ ràng, dễ đọc (nên để khoảng cách vừa phải giữa các con chữ), hạn chế bôi xóa và gạch nhiều trong bài.
Các luận điểm chính, nổi bật nên viết to rõ hơn xíu để nhấn mạnh nha!
Kiến thức:
Đối với NLXH và NLVH cần xác định luận điểm, những điểm quan trọng và lập dàn ý khái quát (không nên đảo lộn các thứ tự của thao tác trong dàn ý).
Anh Không chuyên
Anh Minh Khôi:
Quan trọng là mấy đứa phải giữ cái đầu lạnh 1 tuần trước khi thi nha, dù mọi thứ có khó khăn tới đâu thì mấy đứa cũng đã cố gắng hết sức suốt 1 năm nay rồi, để mất sức khỏe hay bị chùng bước trước kì thi là tiếc lắm. Với lại mấy đứa nên ôn bài thật kĩ nha nhưng đừng quên sức khỏe như anh đã nói á.
----------------------
Anh Trọng Nhân:
Cứ bình tĩnh mà làm bài thôi, đừng nên làm nhanh quá trừ khi sắp hết thời gian làm bài và mấy đứa nhớ đọc đề cẩn thận vào (ránh việc vì đọc đề không kỹ mà sai uổng, rất phí). Đừng lo việc đề khó hay đề dễ, vì nếu đề khó là sẽ khó cho tất cả mọi người á. Mấy em nhớ giữ điềm tĩnh nếu gặp những câu có phần hơi khó hiểu, đọc đề kỹ để tìm ra cách làm. Khi còn 1 hoặc 2 ngày trước khi thi, mấy em nên tránh việc học thêm kiến thức mới hoặc làm những bài khó, thay vào đó là tập trung ôn lại kiến thức cũ và dành thời gian để nghỉ ngơi. Chúc mấy đứa làm bài tốt và khi bước ra khỏi phòng thi có thể nở được nụ cười nha.
----------------------
Chị Bảo Nhi:
Mấy đứa nhớ đọc đề thiệt kĩ, làm cẩn thận vào và nhớ là dò lại nhiều lần. Đừng có chủ quan nha! Trước khi thi 1 tuần thì không nên nạp thêm cái gì mới, chỉ coi lại mấy cái cũ rồi thư giãn đầu óc thôi. Mấy đứa đã học cả năm rồi nên là khúc cuối chỉ cần xem lại thôi, đừng lo lắng quá nè. Hôm đi thi thì đứng trước phòng thi đừng có nghe ai bàn bạc gì hết, mình chỉ tin mình thôi. Và thi xong cũng khoan dò kết quả với bạn, đợi thi xong hết rồi mới dò, không là dễ bị mất tinh thần đó. Cuối cùng, chị chúc mấy đứa thi thật tốt và đậu vào ngôi trường mình mong muốn nha.