Đêm hôm qua tớ có một giấc mơ thật lạ: Tớ mơ thấy mình lạc vào một xứ sở diệu kỳ, nơi không hề có sự sống của con người nào cả, mà chỉ có các loài vật cùng chung sống hoà thuận với nhau mà thôi. Bất ngờ hơn là khi tớ nhận ra rằng những người bạn động vật ấy còn biết nói như con người và ở đây còn có cả trường học, rạp phim, khu vui chơi giải trí,…không khác gì thế giới hiện thực của chúng ta là bao. Thế là với sự tò mò có sẵn, tớ quyết định đánh liều đi dạo vòng quanh xứ sở này để khám phá hết những điều thú vị mà tớ vẫn chưa kịp biết. 

Khi đi ngang qua một bãi cỏ xanh rì, trời bắt đầu đổ cơn mưa rào, tớ vội vàng tìm chỗ trú mưa thì nghe đâu đó tiếng con nít reo lên vui mừng: 

-Bố ơi, bố ơi! Cuối cùng cũng có mưa rồi! Vậy là con lại được gặp gỡ  “người bạn bảy sắc màu” của con rồi đó bố! 

Tớ đang lơ ngơ không biết tiếng nói ấy phát ra từ đâu thì giọng “người bố” ôn tồn: 

-“Người bạn bảy sắc màu” mà con nói là cầu vồng đấy con ạ! 

À thì ra, ở phía đằng kia, có một đàn gà đang đi kiếm ăn.  

- Thế sao trên bầu trời lại xuất hiện người bạn cầu vồng đẹp đẽ như vậy hả bố? - gà con tò mò hỏi bố. 

-Đó là một hiện tượng Quang học con ạ! Để bố kể con nghe vài ví dụ lí thú từ tờ báo Chicken Minds nhé! 

Lúc này, tớ bất giác xấu hổ vì những ví dụ của gà bố nói tớ đều biết, nhưng chưa bao giờ biết cách giải thích cả… 

Cầu vồng được hình thành như thế nào? 

Sau những cơn mưa rào nhẹ vào ban ngày, đứng quay lưng về phía Mặt Trời và nhìn lên bầu trời, đôi khi ta thấy một dải sáng hẹp hình cung tròn, có bảy màu nổi bật như vẽ trên nền trời: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím  – hay còn gọi là “cầu vồng”. Hiện tượng này là do ánh sáng Mặt Trời bị tán sắc trong các hạt mưa sinh ra. Để đơn giản, ta có thể coi mỗi giọt mưa là một lăng kính; khi ánh sáng Mặt Trời đi qua những “lăng kính” này, các tia sáng bị bẻ cong, sau đó bị phản xạ lại và đi ra ngoài giọt nước theo một góc 42°.  

Nhưng trên thực tế, khi nghiên cứu sâu hơn về quang hình học, người ta chỉ ra rằng: các tia sáng bị khúc xạ khi tới mắt sẽ hợp thành một hình nón tròn xoay có trục là tia sáng Mặt Trời, mà hình nón này lại ở phía đối diện Mặt Trời so với người quan sát, nên khi Mặt Trời ở cao trên 42° thì ta sẽ không quan sát được cầu vồng. Vì vậy, ta chỉ có thể chứng kiến được hiện tượng này vào sáng sớm hoặc buổi chiều mà thôi. 

Nguồn nh:                                      https://www.nationalgeographic.org/encyclopedia/rainbow/                                              

Cơ chế hoạt động của mã vạch 

Đã bao giờ bạn thắc mắc những máy quét mã vạch ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị… hoạt động như thế nào chưa? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sơ qua về nguyên lý  của chúng nhé! 

Ta lấy ví dụ một đoạn mã vạch như trên hình. Một chùm tia sáng laser màu đỏ được bắn ra từ máy quét mã vạch. Ánh sáng phản chiếu lại mã vạch tới một thành phần điện tử phát hiện ánh sáng, gọi là tế bào quang điện. Các vùng màu trắng của mã vạch phản chiếu ánh sáng nhiều nhất, các vùng màu đen ít nhất. Nếu nó rơi vào một vùng trắng, thì một con số 0 (zero) sẽ được đọc. Ngược lại, máy sẽ nhận dạng là con số 1 nếu nó rơi vào một vùng đen, 

Sau khi tín hiệu quang được chuyển đổi thành tín hiệu điện, bộ giải mã trong máy quét sẽ tiến hành chuyển đổi luồng tín hiệu này thành văn bản ASCII tương ứng có thể đọc được trên máy vi tính. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chiếc smartphone bạn đang cầm trên tay thậm chí có thể làm được điều đó thay cho máy quét!  

Chiếc đèn trăm tuổi 

Centennial Light Bulb (hay còn được biết đến với cái tên “chiếc bóng đèn bách niên”) tại trạm cứu hỏa số 6, thành phố Livermore, bang California đã được tổ chức kỷ lục Guiness công nhận là bóng đèn dây tóc có thời gian thắp sáng dài nhất thế giới - 120 năm. Bóng đèn này được kĩ sư người Pháp Adolphe A. Chaillet phát minh, được thổi bằng tay và dây tóc được chế tạo từ carbon. Nó được thắp sáng lần đầu tiên vào năm 1901. Kể từ đó, chiếc đèn 60W này đã được bật 24/24 tại trạm cứu hỏa, nhưng giờ đây, nó chỉ còn có thể phát ra ánh sáng tương đương chiếc đèn ngủ 4W mà thôi.  

Ngoại trừ vài lần cúp điện, thì nó chỉ ngừng hoạt động tạm thời khi được gỡ từ trạm cứu hỏa này và chuyển sang trạm khác vào năm 1976. Hằng năm, người ta vẫn tổ chức sinh nhật cho nó vào khoảng tháng 6, và lần gần đây nhất là ngày 18/6. Ngoài ra, bóng đèn này còn được ghi hình một lần mỗi 30 giây, và bạn có thể theo dõi trực tiếp tại đường link: centennialbulb.org/cam.htm. 

Nguồn ảnh: Burning Since 1901, This Bulb is the Poster Child for Planned Obsolescence » TwistedSifter 

Cơ thể người phát ra ánh sáng

Vào năm 2009, một nhóm các nhà khoa học thuộc viện Tohoku đã tiến hành thí nghiệm sử dụng các camera đặc biệt nhạy cảm trong môi trường rất tối trong 3 ngày, 20 phút mỗi 3 tiếng, trên 5 tình nguyện viên nam khỏe mạnh. 

Kết quả cho thấy con người tỏa sáng nhiều nhất ở vùng đầu, quanh cổ, thường vào buổi chiều là sáng nhất và tối nhất vào thời gian tối.  

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là các gốc tự do có hoạt tính cao được tạo ra thông qua quá trình hô hấp của tế bào tương tác với các lipid và protein trôi nổi tự do. Sau đó, các phân tử bị kích thích này có thể tương tác với các fluorophores, có thể phát ra một photon và rồi bạn phát sáng!! Chỉ là ánh sáng này yếu hơn 1000 lần so với mắt thường có thể nhận diện. 

Nên “em là tia sáng cuộc đời anh" có thể không phải là một câu hay để lấy lòng các bạn yêu Lý đâu.  

Nguồn ảnh: http://www.nwap7.com/2019/06/03/humans-are-bioluminescent/

Tại sao bầu trời lại có màu xanh? 

“Hãy xua tan những mây mù đen tối, để bầu trời tươi mãi một màu xanh. Hãy bay lên chim bồ câu trắng, cho bầy em ca hát dưới trời xanh.” Bầu trời xanh là hình ảnh rất đỗi quen thuộc và gần gũi đối với nhân loại chúng ta… nhưng khoan đã, tại sao nó lại có màu xanh lam mà không phải là những màu khác nhỉ? 

Để có thể giải đáp thắc mắc trên, trước hết, ta nên nhớ rằng ánh sáng mặt trời có 7 gam màu: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Mỗi màu sắc tương ứng với bước sóng, tần số và mang năng lượng khác nhau. Ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất trong dải quang phổ nhìn thấy được, do đó tần số và năng lượng của ánh sáng tím là cao nhất trong dải màu trên. Ngược lại, ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất, tần số thấp nhất và sẽ mang ít năng lượng nhất. 

Tiếp theo, khi ánh sáng đi vào khí quyển của Trái Đất, hầu hết những bước sóng dài đều không bị các phân tử khí hấp thụ nên có thể đi xuyên qua. Một ít ánh sáng đỏ, cam, vàng có thể bị ảnh hưởng của không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn bước sóng ngắn đã bị các phân tử khí hấp thụ. Ánh sáng bước sóng ngắn bị hấp thụ sau đó sẽ được tán xạ ra ngoài theo rất nhiều hướng khác nhau. Khi đó, ánh sáng lam được tán xạ khắp bầu trời. Quá trình này còn gọi là “tán xạ Rayleigh”, được đặt theo tên của nhà vật lý người Anh Lord John Rayleigh. Ông đã đề xuất phương trình xác định hệ số tán xạ của một vật nhằm lý giải nguyên nhân bầu trời mang màu xanh mà ta thường thấy. 

Nguồn ảnh: https://www.worldatlas.com/articles/why-is-the-sky-blue.html