Bíng bong!
Bạn vừa tỉnh dậy, tức thì nghe tiếng cồn cào của chiếc bụng đói, nhưng lại phải hớt hải chạy ra cửa nhận hàng - là một bưu phẩm bạn đã trông chờ khá lâu. Ngay khi vừa mở cửa, những chú chim hót líu lo đậu trên “cành” dây điện khiến bản cảm thấy buổi sáng hôm nay bỗng trở nên tươi đẹp đến lạ thường. Ôm chặt bưu phẩm trong tay, bạn hồi hộp mở nó ra thật chậm, thật kĩ.
“Gì cơ? Chẳng phải đây là...”
Bốp!
Bạn làm rơi chiếc cốc, khiến nó vỡ tan tành. Dòng nước từ cốc không ngừng chảy, chảy mãi, thấm lên cả mảnh giấy vốn được gói ghém kĩ song lại ánh lên những tia vàng phát ra từ bưu phẩm. Nó ngoằn nghèo những chữ viết đọc như từ một nhà vật lý mà bạn đã quen biết từ lâu:
“Phải chăng vừa nãy, ngươi đã cảm nhận rất nhiều thứ âm thanh chỉ trong một khoảnh khắc? Khà khà, chiếc bưu phẩm này sẽ làm ngươi “sáng mắt” về thế giới kì diệu của chúng...”
Căn phòng tra tấn
Được mệnh danh là căn phòng yên tĩnh nhất thế giới, Anechoic Chamber có thể khiến con người "phát điên” khi ở tại đó hơn 1 giờ đồng hồ.
Với khả năng cách ly âm thanh tới hơn 99% (theo The Verge: In the world's quietest place, 'you become the sound'), căn phòng không có âm vang (Anechoic Chamber) tại trung tâm thí nghiệm Orfield Laboratories, thuộc Nam Minneapolis, Minnesota, Mỹ được xem là nơi tĩnh lặng nhất hành tinh. Phòng tiêu âm này cũng đạt kỷ lục Guinness thế giới về địa điểm tĩnh lặng nhất trên Trái Đất. Bất kỳ âm thanh nào được tạo ra trong căn phòng cũng đều bị các lớp tường thiết kế đặc biệt "hút" hết. Bạn gần như cảm thấy thính giác của mình không còn hoạt động khi ở trong căn phòng này. Có lẽ “yên quá hóa rồ” cũng có là có thật đúng không mọi người?
Nếu được, liệu bạn có dám thử?
Nguồn ảnh: https://www.atlasobscura.com/places/orfield-labs-quiet-chamber.
Vũ khí âm thanh
Khi một âm thanh có cùng tần số với tần số dao động riêng của một vật, vật đó sẽ bắt đầu dao động theo. Hiện tượng này gọi là sự cộng hưởng. Điều này xảy ra tương tự với các bộ phận trên cơ thể người, bởi mỗi cơ quan đều có một tần số riêng. Chẳng hạn như nhãn cầu có tần số tự nhiên là 19Hz. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một người đứng trong vùng có âm thanh với tần số rơi đúng vào 19Hz? Rất đơn giản, mắt của người đó sẽ rung lên cho đến khi âm thanh này biến mất thì thôi. Nếu dao động này đủ mạnh và tồn tại đủ lâu, thị lực của chúng ta có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, khi cường độ âm thanh vượt quá con số 240dB, nó sẽ chính thức trở thành một “vũ khí” gây nguy hiểm đến tính mạng của chúng ta đó.
Nguồn ảnh: https://www.nbcnews.com/news/us-news/plug-your-ears-run-nypd-s-use-sound-cannons-challenged-n1008916
Thực vật biết lắng nghe?
Không chỉ động vật và con người, ngay cả cây cối cũng giao tiếp được bằng âm thanh với nhau. Thực vật phát hiện các rung động theo cách chọn lọc tần số, sử dụng “thính giác” để tìm nước bằng cách phát ra âm thanh và truyền đạt các mối đe dọa. Ví dụ như loài hoa Oenothera Drummondii tiếp xúc với âm thanh phát lại của ong bay hoặc tín hiệu âm thanh tổng hợp ở tần số tương tự, tạo ra mật hoa ngọt hơn trong vòng 3 phút. Ngoài ra, điều đó cũng có thể làm gia tăng cơ hội thụ phấn chéo.
Nguồn ảnh: https://masterbotanist.com/do-plants-hear/
Âm thanh kinh dị
“Hạ âm” là tên gọi của dạng âm thanh từ tần số 19 Hz trở xuống. Trên thực tế, nó được cảm nhận qua các cơ quan khác của có thể. Trong đời sống, hạ âm thường được sản sinh từ các hiện tượng tự nhiên như tiếng gió thổi, động đất, núi lửa phun hay bất cứ thứ gì không ổn định. Nếu lặp lại không ngừng loại âm thanh này với tần suất liên tục, bạn sẽ có thể cảm thấy vô cùng khó chịu đấy!
Ngoài ra, hạ âm còn có thể được “ứng dụng” vào một số bộ phim kinh dị nổi tiếng nhằm mục đích...hụ dọa khán giả. Chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua cái tên “Irreversible” của đạo diễn Gaspar Noé. Với việc sử dụng âm thanh tần số dưới 27Hz và vừa trên ngưỡng 20Hz của hạ âm - bộ phim đã khiến cho một bộ phận lớn khán giả dường như “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa” (theo đúng nghĩa đen của nó) và dẫn đến việc nôn mửa, choáng váng ngay trong rạp chiếu phim.
Nguồn ảnh: https://www.reviewjournal.com/entertainment/movies/test-your-fear-threshold-with-paranormal-activity-at-town-square/
Âm thanh “sởn gai ốc”
Hầu hết chúng ta đều nghĩ đến tiếng móng tay cào lên bảng hoặc tấm kim loại khi nhắc đến những ví dụ “điển hình” cho loại âm thanh chói tai nhất. Vào năm 2011, nhà âm nhạc học người Đức đến từ đại học Vienna - Christoph Reuter đã tiến hành một khảo sát trên hai nhóm tình nguyện viên: nhóm 1 được nghe loại âm nhạc “khó thưởng thức” và nhóm 2 được nghe hàng loạt những âm thanh đáng sợ.
Kết quả cho thấy tiếng móng tay cào lên bảng nghe khó chịu hơn cả so với tiếng nĩa cào trên dĩa và tiếng cọ xát của mút xốp. Nhóm của Reuter đã tiến hành đo nhịp tim, huyết áp và sự thay đổi của làn da, sau đó giảm tần số của các âm thanh trên để chúng dễ nghe hơn. Nhờ đó, họ phát hiện được rằng phản ứng của cơ thể chính là nguyên nhân khiến chúng ta khó chịu hơn cả yếu tố tâm lý. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: âm thanh được tạo ra khi cào móng tay lên bảng có tần số nằm trong khoảng 2.000~4.000 Hz, cao hơn rất nhiều so với tần số của tiếng nói. Âm thanh thuộc dải tần này khi truyền tới tai của chúng ta được khuếch đại lên đến mức nhức nhối và đó là lý do chúng ta cảm thấy “ê óc” trước những âm thanh nói trên.
Nguồn ảnh: https://www.themarysue.com/nails-chalkboard-ears/