Mấy dạo nay ở nhà, không biết bạn đã làm gì rồi? Học bài? Dọn dẹp nhà cửa? Nấu ăn? Hay đang tự tìm cho mình những điều mới mẻ hơn là nằm và tay cầm chiếc điện thoại, mở đi mở lại những chiếc tin cũ mèm? Hay là ngồi chờ mong từng phút từng giây để đại dịch mau qua đi và được ra ngoài tận hưởng cái được gọi là cuộc sống nhộn nhịp mà ở phố vẫn thường như thế?
Có lẽ, đôi khi bạn cũng không quên tự hỏi rằng liệu dạo này tình hình dịch bệnh sao rồi ta? Không biết Việt Nam mình những ngày qua đã có những tiến triển mới nào không?
Vậy thì để Chicken Minds kể nhỏ bạn nghe nè. Ngày xửa ngày xưa…
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Đúng rồi! Không nhầm lẫn đâu! Bạn đang bước gần đến một thế giới đẹp đẽ, đầy những khoảnh khắc đời-thường nhưng không-hề-vô-thường của những con người Việt Nam, cùng sự kiên cường, bất khuất và trái tim nhân hậu. Một thế giới mà khi ta cho đi, ta nhận lại nhiều hơn thế. Là làn gió dịu mát xua tan nỗi oi bức những ngày hè; là hương đồng cỏ nội vuốt ve những tâm hồn còn nửa; là tất thảy những gì yêu thương nhất giữa bão táp phong ba. Vậy, mình cùng nhau bước vào thế giới đầy màu sắc ấy đi!
Đóng góp của các nghệ sĩ
Khi Việt Nam đang gồng mình để chống “giặc” Covid-19, nhiều nghệ sĩ đã thể hiện trách nhiệm của bản thân mình với xã hội, góp “lửa” để hỗ trợ nhân dân đang gặp khó khăn, để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng. Cái tâm và cái tầm ấy của những người làm nghệ thuật đã đặt đúng chỗ, không chỉ trong công việc của chính họ mà còn trong việc chữa-lành-tâm-hồn cho những ai đang gặp khó khăn hơn mình. Có lẽ chúng ta sẽ khó có thể quên được hình ảnh người nghệ sĩ quen thuộc Đại Nghĩa chuyển thực phẩm hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn. Hay là câu chuyện ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Phi Hùng đã cùng các đồng nghiệp, tình nguyện viên Nhà văn hoá Thanh niên tặng qua cho Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Những hành động nhỏ nhưng không-hề-nhỏ ấy đã phần nào xoa dịu đi những mất mát trong những lần dịch căng thẳng.
“Khi mệt cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp. Tôi viết lên đây để nếu bà con nghèo biết để nhận cơm và tiếp tục ủng hộ những nơi đang xung phong thời bếp Và để biết, tôi đã được Sài Gòn nuôi dưỡng ra sao. Sài Gòn làm ta nhớ nhau vô cùng” (Ca sĩ Hà Anh Tuấn)
Ca sĩ Hà Anh Tuấn đã góp 25 tấn gạo, 50 ngàn trứng gà và 300 lít dầu ăn cho nhiều bếp ăn từ thiện trên địa bàn TP.HCM. Ca sĩ mong muốn lan tỏa thông điệp 'Sài Gòn cùng nhau nấu cơm' để cùng sẻ chia với những người có hoàn cảnh sống khó khăn.
Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân - Các nghệ sĩ cổ vũ tinh thần chống dịch Covid-19 .
Hình ảnh hy sinh của các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch
“Áo trắng xin mạnh mẽ lên
kiên cường thêm qua hằng đêm
Vì mọi người vẫn luôn trao niềm tin
lên đôi vai suốt bao ngày”
(Bài hát “Covid nhanh đi đi” – ICM Team)
Màu áo trắng tinh cùng đôi mắt kiên định, mang trong mình tâm thế “hết dịch mới về”, không ai khác, đó chính là “những chiến sĩ blouse trắng”. Không cần đợi mệnh lệnh của cấp trên, chỉ cần làn sóng đại dịch bùng lên, những người làm nghề y, bác sĩ ấy không chần chừ chi mà cứ thế nghe theo mệnh-lệnh-con-tim, tham gia vào tuyến đầu chống dịch, một chiến trường đầy những thử thách.
Trong đợt ngành y tế ra quân bởi “mệnh lệnh từ trái tim”, có nhiều câu chuyện thực sự cảm động và ấm áp. Hình ảnh bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu (Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM) được đồng nghiệp cắt tóc trước khi lên đường chi viện cho Bắc Giang được chia sẻ lên mạng xã hội đã khiến nhiều người xúc động. Nụ cười của anh như ngọn lửa nhiệt huyết, tiếp thêm cho mọi người niềm tin hơn trong những lúc khó khăn này. Hay hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà ôm chặt đồng nghiệp của mình trước khi lên đường chi viện chống dịch ở Bắc Giang. Cái ôm ấm áp, nhẹ nhàng ấy là lời hứa chiến thắng đại dịch cũng là lời hứa quay về trong niềm vui chiến thắng.
Bên cạnh đó, những bộ đồ bảo hộ màu xanh có lẽ cũng đã quá đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Trong đợt dịch lần 4 đã có 3000 y, bác sĩ chi viện cho tâm dịch tại Bắc Giang. Đó là minh chứng rõ ràng cho tấm lòng nhân ái, không ngại khó khăn và lương tâm của người thầy thuốc Việt Nam.
Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam - Những chiến sĩ blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch.
Sự san sẻ, giúp đỡ của người dân, đồng bào trong mùa dịch
“Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Bên cạnh tiền tuyến đang dốc sức ngày đêm lấy lại cuộc sống yên bình cho nhân dân, thì hậu phương luôn là chỗ dựa vững chắc cho họ. Trong lúc Tp.HCM đang là tâm dịch, hàng trăm kí lương thực, thực phẩm do nhân dân các tỉnh thành khác quyên góp để gửi đi. Việc làm nhân văn đó đã phần nào giảm đi gánh nặng, áp lực cho thành phố lớn nhất ở phía Nam Tổ quốc. Đặc biệt, nếu như trước đây nhân dân ở các nơi bão lũ được hỗ trợ những nhu yếu phẩm từ các tỉnh thành khác thì giờ họ hỗ trợ Tp.HCM ngược lại, như những người anh em thật sự trong một ngôi nhà lớn. Có những khoảnh khắc khi nhóm tình nguyện viên đang ngắm vườn rau nhà mình, người dân đã cắt rau tặng các bạn, tuy chỉ là hành động nhỏ thôi cũng đủ khiến cho họ ấm lòng cả ngày rồi. Hay những tấm hình chụp chị Lê Thị 2, Trưởng khu phố 2, phường Nguyễn Thái Bình phát cơm chay cho người dân. Đó chính là những hành động thật sự có ý nghĩa mà những cá nhân đã tạo nên để an ủi cộng đồng thêm phần nào trong thời buổi này.
Nguồn ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ Tp.HCM - Những tấm lòng nhân ái giữa mùa dịch Covid-19.
Hình ảnh của bộ đội tuyến đầu và tình nguyện của các sinh viên, tình nguyện viên
Kề vai sát cảnh bên những màu áo trắng, cũng như người đồng đội cùng chung nơi đầu-sóng-ngọn-gió là những bộ đội Cụ Hồ cùng chung sức, chung lòng bằng những cống hiến và hy sinh thầm lặng. Ngay những ngày đầu chống dịch, chúng ta không khỏi xót xa khi nhìn thấy hình ảnh người lính chuyển vào rừng để nhường chỗ ở để chống dịch. Trong rừng tuy không có đầy đủ tiện nghi như ở trại, nhưng những “ngôi sao” đầu tàu ấy vẫn hiên ngang, bình tĩnh và không chút than phiền. Có những người lính chống dịch nơi biên giới, có những người lính nằm ngủ ngoài trời, cũng có những người lính đã về nằm yên chốn yên bình, nhưng tất cả những gì họ để lại vẫn in hằn trong hàng triệu trái tim con người Việt Nam.
“Màu áo lính anh hùng!
Không đạn bom nhưng bao hiểm nguy!
Góp giấc ngủ êm ấm, góp ân tình.”
(Bài hát “Màu áo anh hùng” – Vicky Nhung)
Tiếp bước sau những màu áo anh hùng là những sinh viên và tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chống dịch. Với niềm tin “góp gió thành bão”, những người trẻ có sức sống mãnh liệt với mong muốn góp phần bảo vệ Tổ quốc khỏi “kẻ thù” Covid-19 lớn mạnh đã hành động kể cả khi họ phải xa những người thân yêu. Minh chứng là đã có khoảng 1000 sinh viên y khoa Tp.HCM đã hăng hái đăng kí tình nguyện vào đội ngũ chống dịch (hỗ trợ các y, bác sĩ, lần theo dấu vết từng ca F0, F1,…), 299 tình nguyện viên của các tổ chức tôn giáo tham gia hỗ trợ chống dịch và những chương trình phát cơm từ thiện từ các nhà hảo tâm trong những ngày khó khăn gần đây trên địa bàn Tp.HCM…
Cuối cùng, chúng mình xin dành những lời cảm ơn và yêu thương tốt đẹp nhất gửi đến những ai dù đang ở đầu chiến tuyến hay đang hành động ở hậu phương, những người đã vì cộng đồng mà xả thân mình, góp của cải. Và chúng mình mong, rồi đợt dịch căng thẳng này sẽ qua mau, mọi người sẽ được tự do đến những nơi mình muốn đi, làm những điều mình muốn làm. Đặc biệt, mong các bạn hãy ở nhà, tuân thủ nghiêm túc quy định 5K, để cho những ai không-thể-về-nhà đều có thể được-ở-nhà.
Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam - Những chiến sĩ blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch.